Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại hội thảo, ThS. Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, đánh giá cao những nỗ lực của tập thể thầy và trò Trường Cao đẳng Dược Hà Nội. Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy cũng nhấn mạnh nhà trường cần phải mạnh dạn đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển tích cực của yêu cầu về trình độ lao động trong xã hội, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có chuyên môn sâu, có năng lực sư phạm giỏi: “Xác định đội ngũ nhà giáo luôn là then chốt, quyết định đến chất lượng đào tạo, nhà trường đã dành sự quan tâm lớn cho công tác chuẩn hóa các điều kiện về kỹ năng nghề, kỹ năng nghề quốc gia, kỹ năng nghề quốc tế, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy cho nhà giáo, cán bộ quản lý nhà trường qua các khóa đào tạo thực hiện tại doanh nghiệp, mời chuyên gia đến trường, cử cán bộ giảng viên học tập tại nước ngoài”.
Mỗi thầy, cô giáo trong nhà trường cần có tư duy sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng khoa học kỹ thuật vào giảng dạy nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường Hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới. Hoạt động này giúp nhà trường nắm bắt nhu cầu ngành, nghề và thị trường lao động và các góp ý của doanh nghiệp về chương trình, nội dung đào tạo, phản hồi về năng lực làm việc của sinh viên tốt nghiệp. Từ đó cập nhật, bổ sung các module mới theo góp ý từ phía doanh nghiệp. Các phương pháp quản lý từ doanh nghiệp cũng được nhà trường triển khai sâu rộng tới cán bộ giáo viên và sinh viên như 5S, an toàn lao động, Kỹ năng mềm… Chú trọng đào tạo về an toàn lao động trong doanh nghiệp cho HS, sinh viên thực tập trải nghiệm tại Doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng môi trường làm việc.
Ông Đỗ Văn Giang yêu cầu: “Với HSSV nói chung và ngành Dược nói riêng, ngoài việc cần trau đồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cá nhân, phát huy năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp nghề của bản thân...”
Những nội dung tham luận không chỉ phản ánh thực trạng mà còn đề cập đến những giải pháp cụ thể, đầy ý nghĩa để chúng ta có thể đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong ngành Y tế và đảm bảo rằng sinh viên Nhà trường sẽ trở thành những chuyên gia có kỹ năng vững về cả lý thuyết và thực hành.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại hội thảo, Ban Chuyên môn Nhà trường sẽ tổng hợp các quan điểm, ý kiến để sửa đổi, hoàn thiện, cùng với đó, tiếp tục ghi nhận các đóng góp của các bên liên quan, các chuyên gia, lãnh đạo ban ngành với mục tiêu sớm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình đào tạo ngành dược trình độ cao đẳng trong thời gian tới.
Ảnh và bài: Trung tâm truyền thông, tuyển sinh và đối ngoại.